Sức mạnh của việc “cho”
(John Harricharan)
Đó là một ngày hè nóng bức cách đây nhiều năm. Tôi đang trên đường đến cửa hàng thực phẩm tổng hợp để mua 2 món đồ. Ngày ấy, tôi ghé siêu thị thường xuyên, bởi hầu như chẳng bao giờ tôi có đủ tiền trong túi để mua thức ăn cho cả tuần luôn một lần. Người vợ trẻ của tôi, sau một thời gian chống chọi với căn bệnh ung thư quái ác, đã qua đời cách đó vài tháng. Chẳng có tiền bảo hiểm, mà chỉ có rất nhiều các khoản chi phí và cả núi hóa đơn phải thanh toán. Tôi lúc đó làm việc nửa ngày với mức lương chỉ đủ để nuôi 2 đứa con nhỏ của tôi ăn uống tằn tiện. Nói chung là tình hình của chúng tôi lúc ấy rất khó khăn.
Và ngày hôm ấy, trong lòng nặng trĩu và chỉ vẻn vẹn với 4 đôla trong túi quần, tôi đang trên đường đến siêu thị để mua một lon sữa và một ổ bánh mì. Bọn trẻ con kêu đói và tôi phải kiếm cho chúng cái gì để ăn. Khi tôi dừng lại trước ngã tư đèn đỏ, chợt tôi nhìn thấy phía bên phải đường có một người đàn ông trẻ tuổi, một phụ nữ cũng trẻ và một đứa bé đang đứng trên bãi cỏ sát vệ đường. Đang là buổi giữa trưa, 3 người họ đứng chìm trong cái nắng mặt trời gắt như đổ lửa.
Người đàn ông đang giơ một tấm bìa cac-tông có đề dòng chữ: NHẬN LÀM VIỆC KIẾM TIỀN ĂN. Người phụ nữ đứng sát cạnh anh. Cô ấy nhìn chằm chằm vào những chiếc ô tô đậu lại trước đèn đỏ. Đứa bé, có lẽ khoảng gần 2 tuổi, ngồi trên cỏ, tay giữ khư khư một con búp bê chỉ còn có một cánh tay. Tôi nhìn thấy tất cả những hình ảnh này trong khoảng 30 giây trước khi đèn xanh bật trở lại. Lúc đó, tôi rất muốn cho họ vài đôla, nhưng nếu tôi làm thế thì sẽ không còn đủ tiền để mua bánh mì và sữa cho lũ con ở nhà. Bốn đôla chỉ đủ để làm chừng ấy việc thôi. Và khi đèn xanh bật sáng, tôi đưa mắt liếc nhanh 3 người họ lần cuối, cố xua đi cảm giác vừa như thấy mình có lỗi (vì đã không giúp họ) vừa buồn (vì tôi không có đủ tiền để chia sẻ với họ).
Trong lúc lái xe, tôi vẫn không thể gạt bỏ hình ảnh gia đình trẻ nọ ra khỏi đầu tôi. Đôi mắt buồn của người đàn ông và người phụ nữ nọ với ánh nhìn xoáy vào tôi cứ ám ảnh tôi suốt cả dặm đường. Rốt cục tôi không thể chịu đựng được hơn nữa. Tôi cảm nhận được nỗi đau của họ và cảm thấy mình phải làm một điều gì đó cho họ. Tôi quay xe lại và quay lại chỗ ban nãy tôi nhìn thấy họ.
Tôi đánh xe đến sát chỗ họ đứng và chìa cho người đàn ông 2 đôla trong số 4 đôla của tôi. Tôi nhận thấy mắt người đàn ông ngân ngấn nước khi anh cám ơn tôi. Tôi mỉm cười và quay xe về hướng siêu thị. Chắc là cả bánh mì và sữa đều có bán, tôi nghĩ thế. Nhưng nếu tôi chỉ mua mình bánh mì, hoặc sữa không thôi thì đã sao nào? Chắc có lẽ là phải vậy thôi.
Tôi đánh xe vào bãi đậu mà đầu vẫn còn nghĩ vẩn vơ về chuyện lúc nãy và xen lẫn cảm giác lâng lâng vì điều tôi vừa làm. Khi tôi bước ra khỏi xe, chân tôi bỗng sượt qua một vật gì đó trên vỉa hè. Hóa ra là một tờ 20 đôla nằm ngay cạnh chân tôi. Lúc ấy, tôi không thể tin vào mắt mình nữa. Tôi nhìn quanh quất, run rẩy nhặt đồng tiền lên, bước vào trong cửa hàng và mua luôn không chỉ bánh mì và sữa, mà còn cả một vài thứ mà tôi đang rất cần nữa.
Tôi không bao giờ quên cái lần ấy. Nó đã nhắc nhở cho tôi rằng thế giới này thật là kỳ lạ và bí hiểm. Nó càng củng cố thêm trong tôi niềm tin rằng con người cũng không thoát khỏi những quy luật của vũ trụ. Tôi đã cho đi 2 đôla và nhận lại được 20 đôla. Trên đường từ siêu thị về, tôi lại lái xe ngang qua cái gia đình lúc nãy và đưa cho họ thêm 5 đôla nữa.
Câu chuyện này chỉ là một trong rất nhiều những chuyện kỳ lạ đã xảy ra trong đời tôi. Nó làm tôi có cảm giác như càng cho nhiều, ta càng nhận được nhiều hơn. Điều đó có lẽ là một trong những quy luật của thế giới này: “Nếu bạn muốn nhận, trước hết Bạn cần phải cho”.
Tôi nhớ có một bài vè nhỏ thế này:
"Xưa có một anh chàng,
Nhiều người bảo anh gàn,
Nhưng càng hay giúp người,
Anh lại càng sung túc”
Chúng ta thường nghĩ rằng chúng ta không có gì để cho cả. Nhưng nếu nhìn lại, chúng ta sẽ thấy rằng chúng ta luôn có thể chia sẻ với mọi người dù chỉ là một chút ít những gì ta có. Chúng ta đừng đợi đến khi chúng ta nghĩ là đã có thật nhiều và lúc đó mới có thể cho được. Khi cho và chia sẻ với mọi người dù chỉ là chút ít những gì ta có, cánh cửa kho báu của cả thế giới này sẽ mở ra trước chúng ta và của cải sẽ đổ về với chúng ta như suối.
Bạn đừng đòi hỏi tôi phải hứa với Bạn. Đơn giản là bạn hãy thử cho một cách thật lòng và bạn sẽ ngạc nhiên về những gì mà Bạn sẽ nhận được. Thường thì Bạn sẽ nhận được không phải từ những người đã được Bạn cho, mà từ những nguồn Bạn không ngờ tới. Vì vậy, bạn hãy mở ra cho mình con đường đến với sự sung túc.
Hãy nắm lấy cơ hội từ quy luật ngàn đời này của vũ trụ. Hãy nắm lấy cơ hội từ chính Bạn. Các quy luật của vũ trụ không bao giờ sai.
Có khi, bạn được trả ơn ngay cho hành động “cho” của mình, như trong câu chuyện của tôi đây. Cũng có khi điều đó xảy ra muộn hơn. Nhưng bạn hãy tin tưởng một điều: Hãy cho đi và Bạn sẽ được nhận – và Bạn sẽ nhận được nhiều hơn bạn đã cho rất nhiều.
Và khi bạn cho, bạn đừng toan tính trong đầu nhiều mà hãy làm điều đó với một tấm lòng tràn đầy sự biết ơn. Bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy những điều này linh nghiệm như thế nào. Hãy mở cánh cửa đến kho báu của Bạn bằng cách chia sẻ một phần nhỏ những gì bạn có cho những người đang gặp khó khăn. Đúng như một người Thầy vĩ đại đã nói: “Hãy cho và Bạn sẽ được nhận”.
Hãy thử đi. Bạn sẽ thích đấy.
John Harricharan là tác giả của cuốn sách "When You Can Walk on Water, Take the Boat” đã nhận được nhiều giải thưởng uy tín.